10 điểm cần lưu ý và áp dụng các quy định pháp luật vào thực tế vận hành doanh nghiệp xã hội (DNXH) được tổng kết từ Buổi chia sẻ về chủ đề Pháp lý Vận hành DNXH do Potekyu Law Firm tổ chức ngày 13/7/2024.
Các điểm lưu ý này được chúng tôi trình bày theo hình thức: các sai lầm thường gặp và cách để phòng tránh, làm đúng.
Bao gồm:
1 - Nhầm lẫn hình thức pháp lý của việc quyên góp
DNXH có thể nhầm lẫn việc huy động, nhận tài trợ cho DNXH với hoạt động quyên góp từ thiện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
Giải pháp:
Để tránh nhầm lẫn hình thức pháp lý của việc quyên góp cần phải hiểu rõ bản chất của tài trợ và từ thiện:
Tài trợ: Doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền này để bù đắp chi phí quản lý, hoạt động của DNXH
Từ thiện: DNXH sẽ thu 100% nguồn tiền này và sau đó phải chi 100% cho hoạt động từ thiện mà Doanh nghiệp đã cam kết khi nhận nguồn tiền này.
Đối với cả hai hình thức này, DNXH đều cần thực hiện các thông báo và báo cáo liên quan theo quy định của pháp luật.
2 - Không tách bạch doanh thu kinh doanh và khoản huy động, tiếp nhận tài trợ
Điều này xảy ra là vì trong một số thời điểm, doanh nghiệp có thể vừa nhận được khoản huy động, tiếp nhận tài trợ; vừa nhận được doanh thu từ một số hoạt động kinh doanh khác. Sau đó, vì không kiểm tra, xem xét cẩn thận dẫn đến việc doanh nghiệp sử dụng khoản huy động, tiếp nhận tài trợ vào mục đích kinh doanh. Hành vi này là hành vi vi phạm.
Giải pháp:
Lập các bảng biểu ghi nhận nguồn thu - chi rõ ràng của hoạt động từ thiện, đảm bảo không có chênh lệch giữa nguồn thu và nguồn chi;
Nội dung thu - chi được ghi nhận rõ ràng tại các lần chuyển giao;
Chủ động làm báo cáo số liệu của hoạt động nhận huy động, tài trợ lưu nội bộ tại Công ty qua từng năm.
3 - Sử dụng sai khoản tài trợ cho DNXH
Một số DNXH khi nhận các khoản tiền tài trợ từ các tổ chức, cá nhân có thể gặp nguy cơ sử dụng sai khoản tài trợ về mục đích, thời hạn, phạm vi, chênh lệch số tiền so với cam kết ban đầu với nhà tài trợ.
Giải pháp:
Thứ nhất, DNXH phải tuân thủ cam kết với nhà tài trợ và quy định pháp luật:
DNXH cần xem xét lại thỏa thuận/hợp đồng tài trợ với nhà tài trợ về mục đích, thời hạn, phạm vi, số tiền tài trợ.
Tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản này theo đúng cam kết ban đầu với nhà tài trợ.
Thứ hai, DNXH có trách nhiệm công khai, minh bạch về thông tin và giải trình đối với các khoản tiền tài trợ:
DNXH cần công khai, minh bạch thông tin về việc sử dụng nguồn tài trợ trên các kênh thông tin của DNXH.
Giải trình, báo cáo cụ thể với nhà tài trợ về việc sử dụng nguồn tài trợ, trường hợp sử dụng sai phải giải trình rõ ràng.
Thứ ba, DNXH cần có biện pháp khắc phục và xem xét các trường hợp có thể bị xử lý vi phạm (nếu có):
Nếu sử dụng sai nguồn tài trợ, DNXH cần khắc phục ngay, điều chỉnh việc sử dụng theo đúng cam kết.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, DNXH có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cuối cùng, DNXH cần rà soát, hoàn thiện quy trình quản lý:
DNXH cần rà soát, hoàn thiện quy trình quản lý nguồn tài trợ để đảm bảo sử dụng đúng mục đích.
Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên về việc tuân thủ các cam kết với nhà tài trợ.
4 - Chứng từ quyên góp không đầy đủ, chính xác (số lượng, lưu trữ)
DNXH khi nhận các khoản quyên góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sẽ có những trường hợp bỏ sót những chứng từ quyên góp, dẫn đến việc các khoản tiền này không có đầy đủ và chính xác về số lượng và tài liệu lưu trữ các chứng từ này.
Giải pháp:
DNXH cần nắm rõ các giấy tờ, tài liệu khi nhận các nguồn tiền từ viện trợ dự án, viện trợ phi dự án, tài trợ trong nước:
Hồ sơ nhà tài trợ: Giấy đăng ký hoạt động, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với nhà tài trợ là tổ chức; hộ chiếu, căn cước công dân đối với cá nhân.
Hồ sơ tiếp nhận: Chương trình dự án, văn kiện tiếp nhận, chứng từ ngân hàng …
Hồ sơ sử dụng tài trợ: văn bản diễn giải thu chi, chứng từ thu/chi, văn bản chứng minh sử dụng đúng mục đích …
Hồ sơ kế toán và thuế: hoá đơn GTGT, báo cáo tài chính, …
5 - Khai thuế sai khoản tài trợ
Khi hạch toán thuế về những khoản tài trợ sai quy định, doanh nghiệp có thể gặp phải những rủi ro như sau:
Bị truy thu thuế cho khoản tài trợ huy động được vì thuế cho khoản tài trợ này là doanh thu bán hàng.
Phạt vì không xuất hoá đơn GTGT cho khoản tài trợ bị thuế coi là “doanh thu bán hàng”.
Không có đủ chứng từ hợp lệ để chứng minh các khoản thu từ doanh thu, các khoản được nhận từ huy động, tài trợ khi bị Cơ quan thuế kiểm tra.
Giải pháp:
DNXH phải tách bạch doanh thu kinh doanh và khoản huy động, tiếp nhận tài trợ.
Doanh thu kinh doanh: Đây là số tiền thu được từ việc bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Doanh thu này phải được phân loại rõ ràng và được ghi nhận trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Khoản huy động và tiếp nhận tài trợ: Bao gồm các nguồn tài trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ hỗ trợ xã hội, quyên góp từ công chúng hoặc các dạng tài trợ khác. Những khoản này phải được phân loại riêng biệt và rõ ràng trong tài liệu báo cáo nhận tài trợ để dễ dàng theo dõi và báo cáo cho các nhà tài trợ và cơ quan giám sát.
6 - Không xuất hoá đơn GTGT cho khoản tài trợ
Việc xuất hóa đơn GTGT cho khoản tài trợ sẽ giúp DNXH có các minh chứng như chứng từ hợp lệ để chứng minh tính chất tài trợ, không phải là doanh thu kinh doanh. Nếu không xuất hóa đơn GTGT mặc dù cần thiết, doanh nghiệp có thể bị cơ quan thuế kiểm tra và xử phạt.
Giải pháp:
Xuất và kê khai hóa đơn GTGT để chứng minh đây là nguồn tiền tài trợ, không phải là doanh thu kinh doanh. Khi xuất hóa đơn, các doanh nghiệp nên ghi rõ nội dung thể hiện hoạt động tài trợ, viện trợ. Hoá đơn GTGT có thể thể hiện các nội dung như sau (nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo):
Nội dung hoá đơn GTGT: tài trợ/viện trợ [mục đích/theo văn kiện …]
Thuế suất KKKNT và tiền thuế bằng 0 (gạch chéo).
7 - Kê khai các khoản GTGT đầu vào (bằng tiền tài trợ) vào chi phí doanh nghiệp
Giải pháp:
Để hạn chế việc kê khai sai hoặc còn lúng túng trong việc kê khai các khoản GTGT đầu vào (bằng tiền tài trợ) vào chi phí doanh nghiệp, DNXH có thể xem xét việc kê khai các khoản GTGT như sau:
Các khoản viện trợ, tài trợ: không chịu thuế TNDN/GTGT
Hạch toán viện trợ/tài trợ, quyên góp từ thiện : thu hộ/chi hộ.
Tham vấn cơ quan thuế, chuyên gia kế toán/thuế.
Tham khảo quy định của Thông tư hướng dẫn công tác kế toán của quỹ xã hội/từ thiện: 41/2022/TT-BTC ngày 5/7/2022.
8 - Không biết cách báo cáo hoạt động theo quy định
Hiện nay, có một số DNXH vẫn chưa hiểu rõ về cách báo cáo hoạt động của doanh nghiệp mình như thế nào, báo cáo cho cơ quan, tổ chức nào.
Giải pháp:
Dưới đây là một vài hướng dẫn về hồ sơ, thời hạn và cách thức nộp hồ sơ mà DNXH có thể tham khảo
Thứ nhất, về hồ sơ báo cáo hoạt động:
Thông báo nhận tài trợ, viện trợ.
Văn kiện tiếp nhận tài trợ (Được quy định tại Phụ lục I, II, III Nghị định 80/2020/NĐ-CP).
Thứ hai, về nội dung báo báo:
Thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ, loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ, thời điểm thực hiện tài trợ; yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ và họ, tên và chữ ký của người đại diện của bên tài trợ (nếu có).
Mục đích, nội dung, danh mục hàng hóa (đối với khoản viện trợ bằng hàng hóa, hiện vật), kết quả dự kiến của khoản viện trợ; thời gian thực hiện; trị giá của khoản viện trợ phi dự án; phương thức tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp trong quá trình thực hiện; nghĩa vụ báo cáo kết quả sau khi tiếp nhận, sử dụng viện trợ.
Thứ ba, về thời hạn báo cáo: DNXH nộp báo cáo hoạt động trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tài trợ.
Thứ tư, cơ quan tiếp nhận báo cáo: UBND cấp tỉnh
DPI HCM: Phòng Hợp tác công tư/ Văn phòng DPI.
DPI HN: chưa có Phòng Hợp tác công tư, gửi cho Văn phòng DPI
Thứ năm, về cách thức nộp báo cáo: DNXH có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
9 - Nhầm lẫn DNXH với các quỹ từ thiện, quỹ xã hội
Có rất nhiều tổ chức khi mới bắt đầu có ý định thành lập DNXH, dễ bị hiểu nhầm với quỹ từ thiện, quỹ xã hội vì cho rằng các tổ chức này thực hiện các hoạt động như nhau. Trong khi đó, bản chất của DNXH là một doanh nghiệp hoạt động có sinh ra lợi nhuận nhưng sau đó dành lợi nhuận để tái đầu tư (theo tỷ lệ đã cam kết) mà không chia cho các cổ đông.
Giải pháp:
Để tránh trường hợp nhầm lẫn, nên đánh giá xem một tổ chức có phải là DNXH hay không dựa vào các tiêu chí sau:
Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.
Ngoài ra, dưới đây là một vài điểm phân biệt giữa DNXH và quỹ từ thiện:
Quỹ từ thiện, quỹ xã hội không phải là doanh nghiệp và không hoạt động vì mục đích lợi nhuận.
DNXH có thể sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, quỹ từ thiện, quỹ xã hội hoạt động dựa trên các khoản đóng góp, quyên góp từ cá nhân, tổ chức.
DNXH được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp, trong khi quỹ từ thiện, quỹ xã hội được điều chỉnh bởi Luật Từ thiện và các văn bản pháp luật liên quan.
10- Mô hình DNXH có phù hợp với tất cả các loại hình kinh doanh?
DNXH là một doanh nghiệp hoạt động có sinh ra lợi nhuận. Nhưng trong quá trình hoạt động, các sản phẩm/dịch vụ hoặc hoạt động khác có sứ mệnh giải quyết một vấn đề của xã hội. Vì sứ mệnh xã hội này mà doanh nghiệp bị thiếu hụt các chi phí quản lý, hoạt động do đó được quyền quyên góp, nhận tài trợ, hỗ trợ của cá nhân tổ chức khác đề bù đắp dự thiếu hụt này.
Vấn đề chức năng “quyên góp, nhận tài trợ" của DNXH cần tuân thủ theo quy trình, giấy tờ, thủ tục và báo cáo đặc thù theo từng khoản tài trợ nhận được. Do đó, DNXH chỉ phù hợp với các khoản tài trợ có giá trị đáng kể và không phù hợp cho hoạt động quyên góp nhỏ lẻ, liên tục (hàng ngày, hàng tuần) và từ hàng trăm, ngàn người tài trợ.
Chưa kể việc DNXH tuân thủ các quy định về nhận tài trợ cũng tốn một khoản chi phí tuân thủ đáng kể (dịch vụ kế toán - thuế, dịch vụ pháp lý).
Với lý do đó, DNXH chỉ thực sự dành cho các dự án kinh doanh bài bản, có hướng tới lợi nhuận, giải quyết vấn đề của xã hội và có khả năng tạo tác động lớn để từ đó có khả năng thu hút, huy động các khoản tài trợ, hỗ trợ đáng kể.
Tổng hợp bởi Ban Nghiên cứu Pháp luật - Potekyu Law Firm
THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH KHUNG PHÁP LÝ CHO DNXH
Cùng Potekyu xây dựng khung tuân thủ pháp luật mẫu dành cho DNXH (Chương trình sẽ được công bố vào 15/8/2024 và thí điểm dành cho 5 DNXH đăng ký tham gia chương trình miễn phí.
Follow fanpage Potekyu để đăng ký ngay khi chương trình được công bố.
Comentarios